GIỚI THIỆU CHUNG
THÔNG TIN TỔ DÂN PHỐ, CÁC TUYẾN PHỐ, BỆNH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG THANH NHÀN
Phường Thanh Nhàn có 21 tổ dân phố gồm các tổ sau:
Địa bàn dân cứ số 1:
-Tổ 1A
-Tổ 1B
-Tổ 1C
Địa bàn dân cư số 2:
-Tổ 2A
-Tổ 2B
Địa bàn dân cư số 3:
-Tổ 3A
-Tổ 3B
Địa bàn dân cư số 4:
-Tổ 4A
-Tổ 4B
Địa bàn dân cư số 5:
-Tổ 5A
-Tổ 5B
Địa bàn dân cư số 6:
-Tổ 6A
-Tổ 6B
Địa bàn dân cư số 7:
-Tổ 7A
-Tổ 7B
Địa bàn dân cư số 8:
-Tổ 8
Địa bàn dân cư số 9:
-Tổ 9A
-Tổ 9B
Địa bàn dân cư số 10:
-Tổ 10A
-Tổ 10B
-Tổ 10C
PHỐ TRẦN KHÁT CHÂN
Trần Khát Chân (1370-1399) là một danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, quê làng Hà Lăng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Ông sinh ngày Tân Sửu, tháng Chạp, năm Thiệu Khánh thứ nhất (1370).
Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1389), quân Chiêm Thành theo đường sông Hồng tiến đánh Thăng Long, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Trần Khát Chân đem quân Long Tiệp đi chặn giặc.
Ngày 23 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), ông cho phục binh ở ngã ba sông Hải Triều và sông Nhị Hà. Khi Chế Bồng Nga đem một trăm thuyền chiến đi ngang qua, ông tập trung hỏa pháo bắn vào thuyền Chế Bồng Nga. Vua Chiêm Thành chết tại trận, quân Chiêm tan vỡ. Ông cho cắt đầu Chế Bồng Nga đem về Bình Than báo tin thắng trận. Sau chiến công này, ông được phong làm Long Tiệp Bổng thần Nội vệ Thượng tướng, tước Vũ tiết quan Nội hầu.
Năm 1399, Hồ Quý Ly càng ngày càng lộng quyền, giết Trần Thuận Tông và có ý chiếm đoạt nhà Trần. Ông cùng Thái bảo Trần Hãng và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề ở núi Đốn Sơn (nay thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh hoá). Sự việc bị phát giác, ông và hơn 370 người liên quan bị giết và tịch thu gia sản. Tương truyền rằng khi sắp bị hành hình ông phẫn uất gào to ba tiếng vang dội Đốn Sơn và sau khi chết ba ngày sắc mặt vẫn như khi sống. Hiện nay còn đền thờ ông ở làng Phương Nhai và vùng Kẻ Mơ Hà Nội.
Đường Trần Khát Chân có chiều dài khoảng 2,3 km từ cuối đường Nguyễn Khoái, cạnh đê sông Hồng, qua Ô Đống Mác đến Ô Cầu Dền, đầu phố Bạch Mai. Vốn là đoạn thành đất vòng giữa, bao quanh Thăng Long xưa.
Các tuyến phố cắt ngang:
Lò Đúc, Kim Ngưu, Võ Thị Sáu, Chùa Vua, Bạch Mai nay thuộc các phường Bạch Đằng, Thanh Lương, Đống Mác, Thanh Nhàn, Thanh Lương, phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Tuyến phố Trần Khát Chân thuộc phường Thanh Nhàn bên số lẻ từ số 257 đến số 505; Bên số chẵn từ số 270 đến số 420.
Đường Trần Khát Chân, tức là đoạn đê Bình Lao, trên đất Lãng Yên - Lạc Trung. Thời Pháp là con đường đánh số Voie 222. Sau thành đê bao, uốn lượn nhiều đoạn, nhỏ hẹp.
Năm 1999, đường được mở rộng và nắn thẳng nối với đường Đại Cồ Việt, để thành đường vành đai phía trong của Hà Nội. Đường mở đến đâu, công trình đô thị mọc lên đến đó: Ngân hàng Công thương, kho bạc Hai Bà Trưng, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, trường mẫu giáo mầm non Thanh Nhàn cho đến các cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn cùng với các cơ sở kinh doanh dịch vụ buôn bán phụ tùng ô tô, dịch vụ sửa chữa ô tô, máy lạnh, ti vi điện tử… biểu hiện tính đa dạng kinh tế nhiều thành phần được phát triển.
Đường Trần Khát Chân chạy qua làng Thanh Nhàn thuộc địa bàn dân cư số 1, 2 và 3. Đây cũng là những địa bàn tập trung các công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn cũng như của Phường.
PHỐ LẠC NGHIỆP
Phố Lạc Nghiệp có độ dài 1.000m; rộng 13,5m, phố được đặt tên vào năm 2016 theo quyết định số 4659/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội.
Tên“Lạc Nghiệp” là tên một thôn thuộc làng Thanh Nhàn xưa nằm trên phố Trần Khát Chân. Làng Thanh Nhàn trước kia có 2 thôn: Lạc Nghiệp (thôn thượng) và An Cư (thôn Hạ). Tại thôn Lạc Nghiệp có đình Lạc Nghiệp. Đình do người họ Trịnh lập ra, thờ hai vị Quận công họ Trịnh là Ly Quận công và Bảo Quận công.
Phố Lạc Nghiệp trước đây là hai ngõ 283 và 343 phố Trần Khát Chân được nối thông với nhau tạo thành một đường ngõ nối liền nhưng tại hai đầu ngõ có tên gọi khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc tìm địa chỉ, số nhà cho các tổ chức, cá nhân.
Để làm tốt công tác quản lý địa giới hành chính và tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm địa chỉ, số nhà. Đồng thời, để lưu truyền tên gọi gắn với địa danh tại đây. Sau khi lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân, UBND phường Thanh Nhàn đã đề nghị các cơ quan cấp trên đặt tên cho đường ngõ 283 và 343 Trần Khát Chân với tên gọi: Phố “Lạc Nghiệp”.
Với việc phát triển ngành công nghiệp ô tô của nước ta, cũng như do điều kiện giao thông thuận lợi, hiện nay phố Lạc nghiệp đã trở thành tuyến phố chuyên cung cấp các linh kiện phụ tùng ô tô cho các tỉnh thành khắp cả nước.
PHỐ KIM NGƯU
Từ đường Trần Khát Chân, đoạn cuối phố Lò Đúc, đến phố Minh Khai, chạy hai bên bờ sông Kim Ngưu, gọi là Đông Kim Ngưu và Tây Kim Ngưu, mỗi bên chỉ có một dãy nhà cho đến cầu Mai Động.
Tên phố Kim Ngưu được đặt tháng 10/1986, lúc đầu chỉ ở bên bờ tây, số chẵn. Tháng 1/2002 chính thức đặt tên phía bờ đông sông Kim Ngưu là số lẻ của đường này.
Đoạn phố mở đi qua đất làng Thanh Nhàn- phường Thanh Nhàn được gọi là Tây Kim Ngưu, từ số nhà 2 đến số 176.
Thực ra con sông nằm giữa hai phố Kim Ngưu không phải là sông Kim Ngưu như sử sách cổ đã ghi. Đoạn sông thẳng tắp nay gọi là sông Kim Ngưu- từ ô Đống Mác đến đền Lừ - chỉ là một con ngòi nhỏ là nơi mà dân làng Lạc Trung thả rau muống và mới đào thẳng vào năm 1961- 1962.
PHỐ VÕ THỊ SÁU
Phố mang tên người anh hùng Võ Thị Sáu. Tên phố được đặt từ tháng 1-1999, phố có độ dài 650m; từ đường Trần Khát Chân, chạy qua Công viên Tuổi Trẻ, đến phố Thanh Nhàn thuộc phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.
Võ Thị Sáu (1933 -1952): Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chị quê ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Tham gia đội công an xung phong Đất Đỏ nǎm 1949 làm liên lạc, tiếp tế. Mười bốn tuổi đã tham gia kháng chiến chống Pháp, Lập chiến công xuất sắc: ném lựu đạn tại chợ Đất Đỏ, diệt một quan ba và làm bị thương mười hai tên lính Pháp. Năm 1950, chị về làng định xử tội một tên Việt gian sừng sỏ, không may sa vào tay địch. Bị bắt giam ở nhà lao Bà Rịa đến khám Chí Hòa, bốt Ca-ti-na mặc dù phải chịu đựng tra tấn dã man, vẫn giữ vững khí tiết, tiếp tục tham gia đấu tranh trong tù. Suốt gần ba năm, chị bị giam cầm, tra tấn dã man, dụ dỗ ngon ngọt mà chúng vẫn không moi được một lời khai. Tháng 4-1951, bị tòa án binh Pháp kết án tử hình. Sau dó bị giam giữ ở Xà Lim tử hình ở khám lớn, rồi bị đưa ra Côn Đảo bắn ngày 13-3-1952.
Trên phố Võ Thị Sáu, nổi lên khối nhà cao tầng của Tổng công ty chè Việt Nam, Trung tâm tổ chức sự kiện Cung Xuân, bể bơi Tuổi trẻ, sân thể thao Tenit 1.500 chỗ đây là những công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, sầm uất nhất là các quán caphê giải khát làm cho cảnh vật nơi đây chở nên nhộn nhịp, hấp dẫn.
PHỐ THANH NHÀN
Tên phố được đặt từ năm 1986, có độ dài 1,1 km; từ phố Kim Ngưu đến phố Bạch Mai, chạy qua cửa bệnh viện Thanh Nhàn và cắt ngang ngõ Quỳnh, ngõ Trại Găng.
Phố Thanh Nhàn thuộc đất thôn Thanh Nhàn, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ nay thuộc phường Thanh Nhàn- quận Hai Bà Trưng.
Phố Thanh Nhàn kết nối phố Lạc Trung với phố Lê Thanh Nghị tạo thành một trục giao thông đông- tây, nối từ đê sông Hồng đến đường Giải Phóng. Mặc dù có vị trí rất quan trọng, nhưng từ nhiều năm, tuyến đường rất chật hẹp, bị xuống cấp nghiêm trọng. Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài thường xuyên diễn ra, nhất là vào giờ cao điểm, gây bức xúc trong nhân dân. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông, thường xuyên ùn tắc. Đáng chú ý, chỉ một đoạn đường ngắn, từ đường Võ Thị Sáu đến cầu Lạc Trung tập trung ba bệnh viện lớn gồm Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Nhà tang lễ Thanh Nhàn, lượng người tham gia giao thông rất lớn, gây quá tải hệ thống hạ tầng trong khu vực.
Xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn, năm 2010, dự án cải tạo, mở rộng đường Thanh Nhàn đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình được khẩn trương hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do có thay đổi về cơ chế, chính sách liên quan đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu, nguồn vốn, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư dẫn đến phải điều chỉnh dự toán, gây chậm trễ triển khai.
Đến cuối tháng 7-2014, dự án cải tạo, mở rộng đường Thanh Nhàn mới chính thức được khởi công. Dự án có chiều dài gần 1.100 m, điểm đầu giao với phố Bạch Mai, điểm cuối giao với đường Kim Ngưu, được thiết kế đồng bộ gồm các hạng mục: mở rộng mặt đường rộng 22,5 m, xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh, hệ thống thoát, chiếu sáng, xây dựng hào kỹ thuật hạ ngầm dây cáp điện, cáp viễn thông...
Với nỗ lực vượt qua khó khăn, sau hơn chín tháng thi công, cho đến nay dự án đã hoàn thành, tạo nên một tuyến phố khang trang, sạch đẹp. Vỉa hè, lòng đường thông thoáng, rộng rãi. Hai bên đường, cây xanh bắt đầu bén rễ, tỏa bóng mát. Khu vực vỉa hè đối diện Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Thanh Nhàn còn được bố trí thêm thảm cỏ rộng rãi, tạo không gian thoáng đãng cho khách vãng lai nghỉ ngơi. Cảnh ùn tắc giao thông đã chấm dứt. Các phương tiện tham gia lưu thông thuận lợi theo cả hai chiều.
Việc hoàn thành mở rộng tuyến đường Thanh Nhàn cũng là một hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Hai Bà Trưng lần thứ XIX và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16. Tuyến đường góp phần giảm ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận Hai Bà Trưng.
Bệnh viện Thanh Nhàn địa chỉ 42 phố Thanh Nhàn
Đây là một trong những bệnh viện hàng đầu của Hà Nội. Bệnh viện Thanh Nhàn tiền thân là Bệnh xá Mai Hương được xây dựng tại đầu ngõ Mai Hương (nay là phố Hồng Mai) Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào đầu năm 1958.
Trong những năm chiến tranh, Đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Bệnh xá được xây dựng thành Bệnh viện khu phố thuộc Phòng y tế Hai Bà Trưng, với 45 giường bệnh, 65 CBCNV. Năm 1967 hoàn thành cải tạo xây dựng.
Những năm 1967- 1968 chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ác liệt Bệnh viện Mai Hương phải phân tán thành 2 nơi:
- Khoa Nội và Khoa Nhi với 40 giường bệnh tại địa điểm trường học Tây Sơn.
- Một số chuyên khoa như Ngoại; Răng- Hàm- Mặt; Tai- Mũi- Họng; Mắt và da liễu ở lại.
Số nạn nhân do Mỹ ném bom gây ra đưa vào bệnh viện cấp cứu ngày một nhiều nhất là cấp cứu ngoại khoa do bộ phận cấp cứu ngoại khoa của Bệnh viện dần vươn lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ của phòng tuyến 2, bệnh viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong chiến tranh.
Tháng 9 năm 1970, Bệnh viện Mai Hương từ phòng y tế Quận HBT quản lý đã chính thức thuộc Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Hai Bà Trưng.
Năm 1972, bắt đầu xây dựng bệnh viện với qui mô 600 giường trên diện tích 50.000m2 tại phố Thanh Nhàn- Phường Thanh Nhàn- Quận Hai Bà Trưng. Năm 1981, khu nhà đầu tiên được bàn giao cho Bệnh viện đó là Khu khám bệnh Đa khoa 2 tầng, cuối năm 1984, Nhà 3 tầng và Nhà 5 tầng tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến năm 1985 khu điều trị nội trú được đưa vào sử dụng, kết thúc công trình xây dựng Bệnh viện mới tại địa điểm Thanh Nhàn. Bệnh viện dần dần phát triển thành Bệnh viện Đa khoa hoàn chỉnh với nhiệm vụ đầu ngành Nội khoa. Trong lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm giải phòng Thủ đô và lễ khai trương Bệnh viện mới, Cố Giáo sư TS Nguyễn Văn Xang nguyên Giám đốc Bệnh viện và Ban lãnh đạo lúc đó đã quyết định lấy ngày 10/10 là ngày truyền thống của Bệnh viện.
Ngày 3/7/2000, Bệnh viện Hai Bà Trưng được đổi tên thành Bệnh viện Thanh Nhàn tại Quyết định số 64/2000/UBND Thành Phố Hà Nội.
Được sự quan tâm của Thành ủy- UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Ngày 10/10/2001 bệnh viện đã khởi công xây dựng Nhà điều trị 11 tầng. Đây là, công trình trọng điểm của Thành phố kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2005 cho đến nay. Theo quyết định số 5056/QĐ-UBND ngày 30/10/2011 của UBND Thành phố phê duyệt đề án nâng cấp Bệnh viện giai đoạn II và công trình đã được khởi công ngày 12/6/2013.
Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Bệnh viện.
Bệnh viện Phổi Hà Nội địa chỉ 44 phố Thanh Nhàn:
Bệnh viện Phổi Hà Nội tiền thân là Trạm chống lao Hà Nội (trước 1995) chỉ điều trị ngoại trú, không có giường bệnh điều trị nội trú. Năm 1995, đổi tên thành Trung tâm Chống lao thành phố Hà Nội với nhiệm vụ phòng, chống bệnh lao cho nhân dân trên địa bàn thành phố và đã có được 50 giường bệnh điều trị nội trú.
Năm 2000, đổi tên là bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội có nhiệm vụ khám phát hiện, quản lý điều trị người bệnh lao và bệnh phổi, chỉ đạo màng lưới chống lao trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Chương trình chống lao Quốc gia. Thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhân.
Từ 2010, đến nay mang tên là bệnh viện Phổi Hà Nội, số lượng bác sĩ tăng lên 250 viên chức, khu nhà điều trị nội trú 9 tầng, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại.
Hàng năm bệnh viện Phổi Hà Nội khám trên 27.000 lượt người bệnh, thu nhận vào điều trị nội trú trên 5.000 người bệnh, trong đó trên 60% người bệnh bị mắc các bệnh phổi không phải do lao. Điều trị ngoại trú 900 người bệnh.
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội địa chỉ 42A phố Thanh Nhàn:
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa hạng II của thành phố Hà Nội, trong những năm qua được sự chỉ đạo của thành phố, Sở Y tế, với sự chủ động của Đảng uỷ, ban giám đốc và toàn thể cán bộ nhân viên toàn Bệnh viện đã đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của bệnh viện chuyên khoa đầu ngành Ung bướu. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa Ung thư hạng I của thành phố Hà Nội. Bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân Ung thư trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận từ miền Trung trở ra.
Để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, năm 2000, bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã được thành lập, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Với chức năng là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành Ung bướu của Hà Nội, bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép tiếp nhận khám chữa bệnh cho bệnh nhân Ung bướu, kể cả bệnh nhân có thẻ bảo hiểm Y tế như một bệnh viện tuyến cuối trong lĩnh vực điều trị Ung thư, nhằm góp phần giảm tải cho tuyến trên. Bệnh viện đã không ngừng được đầu tư mua sắm và nâng cấp trang thiết bị hiện đại thông qua các nguồn vốn ngân sách Nhà nước cũng như xã hội hóa Y tế.