DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN PHƯỜNG THANH NHÀN
Publish date 19/10/2020 | 16:20  | Lượt xem: 3449

Phường Thanh Nhàn, hiện nay là 1 trong 18 phường của quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Với dân số  21.117 dân, tổng số có 6.083 hộ gia đình, diện tích: 0,68 km2,  có địa giới hành chính nằm ở trung tâm Quận Hai Bà Trưng. Phía Đông giáp phường Thanh Lương; phía Tây giáp phường Cầu Dền; Đông nam giáp phường Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai; Tây Nam giáp phường Bạch Mai; Đông Bắc giáp phường Đống Mác, Tây Bắc giáp phường Phố Huế, Đồng Nhân. Phường Thanh Nhàn có 5 tuyến phố: Phố Thanh Nhàn, Kim Ngưu, Trần Khát Chân, Võ Thị Sáu, Lạc Nghiệp.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhân dân và chính quyền phường Thanh Nhàn luôn đứng vững và phát triển. Phát huy truyền thống đó, năm 2012 Phường đã vinh dự được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng ba.

Thanh Nhàn là vùng đất ven đô được hình thành từ rất sớm, những cư dân đầu tiên đến đây khai hoang lập ấp, bằng sức lao động và ý chí đấu tranh khắc phục khó khăn thiên nhiên, biến vùng đất hoang vu, lắm hồ nhiều ao thành làng xóm ngày càng trù phú để an cư lập nghiệp. Cái tên “Thanh Nhàn” bắt nguồn từ đó. Truyền thống ấy khơi nguồn từ những năm 40 sau công nguyên, hưởng ứng lời kêu gọi của tướng Tam Trinh, cư dân các vùng ven đô phía nam trong đó có Thanh Nhàn đã gia nhập nghĩa quân theo Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước.

Từ khi có Đảng, nhân dân Thanh Nhàn một lòng đi theo Đảng đấu tranh. Cách mạng tháng Tám thành công, tiếp đến 60 ngày đêm tham gia chiến đấu giam chân địch bảo vệ Thủ đô Hà Nội, cùng cả nước bước vào trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân Thanh Nhàn đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, vừa chiến đấu vừa ra sức xây dựng quê hương.

Sau ngày 15/5/1975, chào mừng chiến thắng 30- 4-1975, nhân dân các tiểu khu Thanh Nhàn, Quỳnh Lâm, Trần Khát Chân cùng nhân dân khu phố Hai Bà Trưng khẩn trương bước vào khôi phục kinh tế sau chiến tranh.

Ba tiểu khu Thanh Nhàn, Quỳnh Lâm, Trần Khát Chân sát nhập thành một tiểu khu lấy tên là tiểu khu Thanh Nhàn. Tháng 01/1979, đơn vị công an tiểu khu Thanh Nhàn được thành lập với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới bộ máy chính quyền thành phố được tổ chức thống nhất thành 3 cấp; tiểu khu Thanh Nhàn thành phường Thanh Nhàn- quận Hai Bà Trưng- Hà Nội. Kể từ đây, Đảng bộ và nhân dân Thanh Nhàn bước vào một thời kỳ mới về tổ chức và triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế- xã hội ở địa phương. Trên địa bàn phường Thanh Nhàn đã hình thành mô hình có Công an phường, cửa hàng lương thực, cửa hàng thực phẩm, trường học.

Vào những năm cuối thập kỷ 80, địa bàn Phường đã bắt đầu diễn ra quá trình “ đô thị hóa”, hình thành một số công trình công cộng, các khu dân cư mới, dân cư phát triển; trong khi đó kết cấu hạ tầng cơ sở thiếu nhiều như đường xá, hệ thống cấp thoát nước, đèn đường; nhiều khu vực bị ngập úng, vệ sinh môi trường kém, tình trạng tranh chấp đất, xây dựng không phép trái phép liên tiếp xảy ra.

Từ năm 1979 đến 1990 mọc lên “ Xóm liều” với 338 hộ và 1223 nhân khẩu- gọi là “ Xóm liều” vì gồm những hộ, những người từ khắp nơi đến đây chiếm đất công tự xây dựng nhà ở bất hợp pháp. Thành phần dân cư phức tạp, đa số có tiền án, tiền sự, không nghề nhiệp, tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm không kiểm soát được. Đời sống xã hội tuy có chuyển biến bước đầu; nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, số người không có việc làm tăng lên; bung ra nhiều loại kinh doanh, dịch vụ tập chung trên hai tuyến đường Kim Ngưu- Thanh Nhàn gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường, thất thu thuế; công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nhiều khó khăn hơn.

Từ năm 1995 cho đến nay, đây là giai đoạn phường Thanh Nhàn đoàn kết vượt khó khăn, xây dựng và trưởng thành. Tập chung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hướng xây dựng đô thị văn minh hiện đại. Trong quá trình đô thị hóa, các ao hồ, đất nông nghiệp của hợp tác xã Đồng Thanh, Đông Mai, Đông Ba chủ yếu được đầu tư xây dựng công viên, hạ tầng kỹ thuật mở đường Trần Khát Chân, Võ Thị Sáu và nâng cấp, mở rộng đường Thanh Nhàn. Phần đất đai khác dịch chuyển sang sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Sau hơn bốn mươi năm đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội,  dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thanh Nhàn tiếp tục chung sức chung lòng vượt qua mọi thử thách, khó khăn xây dựng cuộc sống mới. Tất cả những khó khăn đó đã qua đi, diện mạo phường Thanh Nhàn đã được đổi thay toàn diện, dần trở thành khu đô thị văn minh, hiện đại, một Phường ổn định, tiến bộ góp phần xứng đáng cùng nhân dân quận Hai Bà Trưng xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.