DI TÍCH LỊCH SỬ
Từ thời xa xưa làng Thanh Nhàn là một vùng đất sâu trũng hoang vu; dân các nơi đến khai hoang lập ấp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với vị trí nằm sát ven đô, dân Thanh Nhàn ngày càng phát triển, cuộc sống làm ăn yên ổn; làng Thanh Nhàn đã hình thành từ hai thôn; thôn trên và thôn dưới, còn gọi là thôn An Cư và thôn Lạc Nghiệp. Đình An Cư và đình Lạc Nghiệp thờ hai vị quận công làm “Thành hoàng”. Một vị tên thực gọi là Quận Đống, tên húy gọi là Doan Hậu; một vị tên gọi là Quận Hiến, tên húy là Đạo Vịnh. Cả hai vị này đều là “Nhân thần”, làm quan đời vua Cảnh Hưng nhà Lê thứ 24, được triều đình ban đất ở làng Thanh Nhàn lập nên ấp gọi là “Lò ngói xóm”. Ngày mất của Quận Đống- Doan Hậu là ngày 27 tháng 4; Quận Hiến- Đạo Vịnh mất ngày rằm tháng 9. Sau khi 2 vị mất nhân dân mới lập hai nơi văn chỉ (Đình), một nơi gọi là An Cư, một nơi gọi là Lạc Nghiệp. Đình xưa kia là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân 2 thôn An Cư và Lạc Nghiệp, ngoài ra còn là nơi để dân hội họp bàn công việc của thôn.
Trải qua quá trình đô thị hóa những dấu ấn còn lưu lại của 2 thôn đó là 2 Đình: An Cư và Lạc Nghiệp. Nay Đình An Cư nằm trong ngõ 281 Trần Khát Chân. Đình Lạc Nghiệp nằm ở ngõ 337 Trần Khát Chân.
Đình An Cư gồm 2 tòa nhà cấp 4, tòa nhà 1 có diện tích 117 m2 , chiều cao đỉnh mái 5,97 m, kết cấu tường gạch chịu lực. Trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ngôi Đình cũ đã bị sụp đổ. Đến trước năm 1990 nhân dân làng Thanh Nhàn đã quyên góp dựng lại Đình. Trải qua biến động của thời gian, Đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có hiện tượng lún nghiêng, tường xuất hiện nhiều vết nứt lớn, một số thanh xà gồ cũ đã bị mối mọt có nguy cơ bị gãy đổ….. cần được cải tạo, sửa chữa nâng cấp lại. Để đảm bảo an toàn cho việc sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, ngày 19/7/2017 UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định số 2730/QĐ-UBND quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Tu bổ, phục dựng đình An Cư bằng nguồn vốn xã hội hóa 100%, với tổng mức đầu tư (dự kiến): 1.150.000.000 đồng./.